Xu hướng TMT
TMT là mô hình “kiềng 3 chân” mà có lẽ mọi tập đoàn đều ao ước. 3 lĩnh vực bao quát toàn bộ phương tiện thông tin và nền tảng kết nối trong xã hội con người, có mối quan hệ chặt chẽ và khó có thể tách rời.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, tạo cơ hội lớn cho người dùng được tham gia truyền thông, làm thay đổi hẳn bộ mặt truyền thông. Từ vị trí khách hàng, người dùng có thể trở thành người trực tiếp tạo ra nội dung và đôi khi những ý tưởng, những nhu cầu của người dùng còn hấp dẫn hơn của các nhà sản xuất. Điển hình số lượng các blogger, các “nhà báo công dân” và “nhà làm phim” nghiệp dư đang tăng lên đáng kể. Rất nhiều bài viết, clip được phổ biến rộng rãi trên mạng là của các “nhà” nghiệp dư. Ngay ở địa hạt của truyền thông truyền thống, sự tham gia của khán giả cũng quyết định sự sống còn của các chương trình. Nhờ công nghệ internet và mobile, khán giả có thể trực tiếp tương tác từ xa trong các show truyền hình, làm phát sinh các loại hình truyền thông tương tác như bầu chọn, game show, TV shopping, film tương tác, game tương tác... Chỉ tính riêng ở Anh, năm 2008 doanh thu của dịch vụ bầu chọn đã lên đến 458 triệu USD, doanh số TV shopping đạt tới hàng tỷ đô… Sự phát triển của công nghệ và viễn thông mang lại cơ hội cho cả ngành tái tạo nội dung. Kể cả những loại sách báo cũ, phim ảnh không thuộc “top hit” cũng mang lại doanh thu lớn cho Amazon.com hay Netflix.com
Trong thời gian tới, với lượng người dùng ngày càng đông đảo, bản chất không biên giới, không giới hạn của internet và viễn thông đang tạo ra cơ hội khai thác cho mọi quốc gia cũng như định hướng các luồng đầu tư lớn vượt biên giới các nước phát triển. Ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ericsson Việt Nam nhận định: “Sự hội tụ giữa viễn thông, internet băng rộng, phát thanh - truyền hình sẽ rõ nét hơn trong năm 2011 khi các dịch vụ truyền thông và giải trí đa phương tiện được đưa vào khai thác. Với công nghệ 3G và tới đây là công nghệ 4G/LTE, các nhà khai thác sẽ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kết nối mà còn cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp”. Ông David Armano, Phó Chủ tịch cấp cao một chi nhánh của tập đoàn truyền thông toàn cầu Edelman nói về xu hướng của truyền thông xã hội năm 2011: “Sẽ càng ngày càng có nhiều website trở thành “trung tâm kỹ thuật số” trong đó họ sáp nhập hoạt động kết nối xã hội từ nhiều cơ sở… Ngay cả những thương hiệu lớn giờ đây cũng nhận ra họ không thể tồn tại trong thế giới riêng của mình. Họ phải hòa nhập vào một thế giới đang có xu hướng kết nối xã hội ngày một nhiều”.
Và cơ hội của VTC
Đã có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam khởi đầu từ một trong 3 lĩnh vực này. Trên thế giới là các tập đoàn truyền thông, công nghệ. Còn ở Việt Nam, tiềm lực hơn cả có lẽ là các tập đoàn viễn thông. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chưa thể định hướng theo TMT do gặp khó khăn trên đường tiến vào lĩnh vực truyền hình. VTC có lợi thế là xuất phát từ lĩnh vực truyền hình và sở hữu phương tiện truyền thông số 1 trong thế kỷ XX. Tuy chưa nghiên cứu về TMT nhưng VTC đã đi theo hướng này từ vài năm gần đây. Định hướng tập trung vào Công nghệ Nội dung số, coi đó là giá trị cốt lõi, chính là chữ T thứ nhất (Technology). Việc sở hữu đài truyền hình với công nghệ hiện đại, bên cạnh các loại hình truyền thông đa phương tiện khác như báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội… đã thể hiện rõ chữ M (Media). Mạng Việt Nam go.vn với logo cách điệu 3 màn hình là minh chứng rõ nét cho chữ T thứ hai (Telecommunications). Đó là những bằng chứng ban đầu cho thấy VTC đang định hướng hội tụ TMT. Việc thương lượng mua lại EVN Telecom chính là bước đi tạo dựng chân kiềng thứ 3- Telecom.
Nhìn thấy hướng đi của VTC đang tiệm cận với mô hình TMT trên thế giới, Hãng tư vấn và kiểm toán số 1 thế giới – Deloitte, sau khi hoàn thành đợt kiểm toán tại VTC Online, đã đưa ra những tư vấn về mô hình TMT. Tại Deloitte, có hẳn một nhóm TMT chuyên nghiên cứu và tư vấn về lĩnh vực này. Nhóm TMT đã đưa ra những dự báo về việc hội tụ 3 lĩnh vực này trong năm 2011. Tốc độ thay đổi công nghệ là một trong những thách thức lớn nhất, mang lại nhiều cơ hội và rủi ro cho thị trường. Truyền thông sẽ tập trung đa dạng hóa vào game, truyền hình, công nghiệp âm nhạc và các phương tiện truyền thông xã hội (báo chí, mạng xã hội...) trong đó, lợi nhuận từ quảng cáo là điều đáng quan tâm hơn cả. Trong ngành công nghiệp viễn thông, sự thay đổi nhanh nhạy trong quản lý là rất quan trọng. Theo các chuyên gia TMT, bốn yếu tố then chốt là: đối thủ cạnh tranh, khách hàng, điều khoản quy định và tiến bộ công nghệ. Bốn yếu tố này đang buộc các công ty viễn thông phải cải thiện dịch vụ khách hàng, mở rộng thị trường và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi nằm trong Top 3. Nếu rớt khỏi vị trí này, doanh nghiệp sẽ bị bỏ xa trong thị trường đầy cạnh tranh.
Soi từng chân kiềng vào VTC, trong mảng công nghệ, đặc biệt là Internet, có thể nhận thấy vị trí Top 3 của VTC tại Việt Nam khá vững vàng. Hiện VTC đang là nhà phát hành game hàng đầu, nhà sản xuất game tiên phong, công nghệ mobile hiện đại, mạng Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và thu hút nhiều đối tác… Chỉ cần Mạng Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, vị thế của VTC ở chữ T đầu tiên càng được khẳng định. Đối với chữ M (media), Đài truyền hình VTC đang sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Hiện tại, VTC có thể chưa thu hút được lượng khán giả như các kênh truyền thống của VTV, có thể chưa hiệu quả như VCTV, nhưng xét về tổng thể, với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông khác như báo điện tử, báo giấy, có thể khẳng định VTC thuộc Top 3 trong mảng này. Chân kiềng duy nhất cần được tập trung và đẩy mạnh là Telecom. Điều này là thách thức nhưng không phải là không thể khi VTC phát triển trên hạ tầng vững chắc của EVN Telecom. Tuy rất khó bắt kịp Viettel nhưng với sự hỗ trợ của 2 chân kiềng còn lại – Technology và Media cùng những bước đi đúng hướng, VTC có thể tiến nhanh vào Top3. Nhìn lại những tập đoàn mạnh hiện nay đang có vị thế trong “làng” công nghệ Việt như FPT, Viettel… cũng đều chỉ mới phát huy được thế mạnh trên 2 chân đó là 2 chữ T. Nếu để đứng trên cả 3 chân kiềng, VTC dường như có lợi thế hơn cả. Vấn đề còn lại thuộc về người chèo lái con thuyền và thủy thủ đoàn. Nếu họ đồng lòng vượt sóng, chắc chắn, VTC sẽ bật lên và đứng vững trên mô hình hội tụ từ 3 chân kiềng TMT.
Phạm Hào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét